Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể con người, hình nêm, xốp, màu nâu đỏ, kích thước tùy thuộc vào chiều cao và cân nặng của mỗi người. Gan thực hiện cùng lúc hàng trăm chức năng để duy trì sự sống. Cơ quan này đồng thời cũng được xem là một tuyến bởi có chức năng sản xuất protein và hormone, hỗ trợ hoạt động của các bộ phận khác trong cơ thể.
Cấu tạo gan
Gan có cấu tạo như sau:
1. Vị trí gan nằm ở đâu?
Thông thường, gan nằm ở bên phải cơ thể, dưới xương sườn, bên phải dạ dày và phía trên túi mật. Trường hợp đảo nghịch phủ tạng, gan có thể nằm ở bên trái.
2. Khối lượng và kích thước gan
Gan của một người bình thường nặng khoảng 1.500 gr, chiều rộng khoảng 15 cm (6 inch). Khối lượng và kích thước này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng người. Tuy nhiên, phạm vi tham chiếu tiêu chuẩn cho nam giới là 970 – 1.860 gr (2,14 – 4,10 lb), nữ giới là 600 – 1.770 gr (1,32 – 3,90 lb). Gan là cơ quan nội tạng nặng nhất, là tuyến lớn nhất trong cơ thể con người.
3. Hình thể ngoài của gan
Gan là một cơ quan có hình nêm, màu nâu đỏ sẫm, gồm hai thùy có kích thước và hình dạng không bằng nhau.
4. Cấu tạo bên trong gan
Cung cấp máu cho gan có hai nguồn gồm:
- Động mạch gan: Vận chuyển máu từ động mạch chủ qua thân tạng.
- Tĩnh mạch cửa: Vận chuyển máu từ tĩnh mạch lách vàtĩnhmạchmạc treo tràng trên.
Những mạch máu này được chia thành các mao mạch nhỏ được gọi là các xoang gan, dẫn đến các tiểu thùy gan. Tiểu thùy gan là đơn vị chức năng của gan, mỗi tiểu thùy được tạo thành từ hàng triệu tế bào gan (những tế bào trao đổi chất cơ bản). Các tiểu thùy được liên kết với nhau bằng một mô liên kết sợi mịn, dày đặc, không đồng đều, kéo dài từ bao xơ, bao phủ toàn bộ gan (bao Glisson). Mô này mở rộng vào cấu trúc gan bằng cách đi kèm với mạch máu, ống dẫn và dây thần kinh. Gần như toàn bộ bề mặt gan đều được bao phủ bởi một lớp huyết thanh có nguồn gốc từ phúc mạc.(1)
Chức năng của gan
Chức năng gan được thực hiện bởi các tế bào gan. Cụ thể, cơ quan này thực hiện lên đến 500 chức năng riêng biệt, thường kết hợp với các hệ thống và cơ quan khác trong cơ thể. Hiện nay, chưa có cơ quan hay thiết bị nhân tạo nào có khả năng tái tạo tất cả các chức năng gan, chỉ có phương pháp lọc máu gan hiện đang được thử nghiệm để hỗ trợ điều trị bệnh suy gan. Ở trạng thái nghỉ ngơi, gan chiếm đến 20% tổng lượng oxy tiêu thụ của cơ thể. Các chức năng gan cụ thể bao gồm:
1. Cung cấp máu
Gan nhận nguồn cung cấp máu kép từ tĩnh mạch cửa gan và động mạch gan. Tĩnh mạch cửa gan cung cấp khoảng 75% tổng lượng máu. Các động mạch gan cung cấp khoảng ¼ tổng lưu lượng máu còn lại của gan.
Oxy được cung cấp từ cả hai nguồn, 50% từ tĩnh mạch cửa gan và 50% từ các động mạch gan. Động mạch gan cũng có cả thụ thể alpha và beta-adrenergic. Do đó, máu đi qua động mạch được kiểm soát một phần bởi các dây thần kinh nội tạng của hệ thần kinh tự trị.
Máu chảy qua các xoang gan và đi vào tĩnh mạch trung tâm của mỗi tiểu thùy. Các tĩnh mạch trung tâm hợp lại thành các tĩnh mạch gan, đi ra khỏi gan và đi vào tĩnh mạch chủ dưới.
2. Sản xuất mật
Dịch mật được sản xuất ở gan, sau đó được vận chuyển đến phần đầu tiên của ruột non, tá tràng. Mật cũng được vận chuyển trong các ống mật, các rãnh nhỏ giữa các mặt của tế bào gan lân cận. Các tiểu quản phân bố đều ra phần rìa của tiểu thùy gan, hợp nhất và tạo thành các ống mật. Trong gan, những ống này được gọi làđườngmật trong gan, phần bên ngoài gan được gọi là đường mật ngoài gan. Các ống dẫn trong gan cuối cùng sẽ tập trung vào ống gan trái và phải, thoát ra khỏi gan ở rãnh ngang, hợp nhất tạo thành ống gan chung.
Ống túi mật từ túi mật nối với ống gan chung để tạo thành ống mật chủ. Động mạch gan thực hiện chức năng cung cấp máu cho hệ thống mật và mô liên kết. Mật chảy trực tiếp vào tá tràng thông qua ống mật chủ hoặc được lưu trữ tạm thời trong túi mật. Ống mật chủ và ống tụy cùng tập trung vào phần thứ hai của tá tràng tại bóng gan tụy, còn được gọi là bóng Vater.
3. Trao đổi chất
Gan đảm nhiệm chức năng trao đổi chất như sau:
3.1 Chuyển hóa carbohydrate
Gan thực hiện một số vai trò chuyển hóa carbohydrate, gồm:
- Tổng hợp và dự trữ glycogen. Trong các trường hợp cần thiết, gan giải phóng glucose vào máu bằng cách phân hủy glycogen thành glucose.
- Tổng hợp glucose từ một số axit amin, lactate hoặc glycerol.
- Các tế bào mỡ và gan tạo ra glycerol bằng cách phân hủy chất béo mà gan sử dụng để tạo ra glucose.
3.2 Chuyển hóa protein
Gan thực hiện chức năng chính trong quá trình chuyển hóa , tổng hợp và phân hủy protein. Tất cả các protein huyết tương ngoại trừ Gamma-globulin đều được tổng hợp ở gan. Cơ quan này đồng thời cũng chịu trách nhiệm chủ yếu trong quá trình tổng hợp axit amin. Gan đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các yếu tố đông máu và hồng cầu . Một số protein được gan tổng hợp bao gồm:
- Các yếu tố đông máu I (fibrinogen), II (protrombin), V , X
- Protein C
- Protein S
- Antitrombin
3.3 Chuyển hóa lipid
Gan đóng một số rất vai trò trong quá trình chuyển hóa lipid: Tổng hợp cholesterol , sản xuất lipid, chất béo trung tính và phần lớn lipoprotein của cơ thể. Cơ quan này cũng tham gia sản xuất và bài tiết mật, để tăng cường khả năng hấp thu vitamin K từ chế độ ăn uống. Một phần mật được gan sản xuất sẽ chảy trực tiếp vào tá tràng, phần còn lại được lưu trữ trong túi mật.
4. Phân hủy và bài tiết
Gan thực hiện chức năng phân hủy insulin và các hormone khác trong cơ thể. Cụ thể, cơ quan này tiến hành phân hủy bilirubin thông qua quá trình glucuronid hóa để bài tiết vào mật. Gan đồng thời chịu trách nhiệm phân hủy và bài tiết nhiều chất thải, đóng vai trò quan trọng trong việc phá vỡ hoặc biến đổi các chất độc hại, chẳng hạn như methyl hóa. Quá trình chuyển hóa thuốc cũng diễn ra tại cơ quan này. Gan đồng thời cũng chuyển hóa amoniac thành urê.
5. Dự trữ máu
Lượng máu bình thường được lưu trữ trong gan (bao gồm cả tĩnh mạch gan và xoang gan) khoảng 450 ml, chiếm gần 10% tổng lượng máu trong cơ thể. Khi áp suất cao ở tâm nhĩ phải gây áp lực ngược trong gan, tĩnh mạch và xoang gan đôi khi có thể chứa đến 0,5 – 1 lít máu. Hiện tượng này thường xảy ra ở tình trạng suy tim có sung huyết.
6. Chức năng khác
Gan dự trữ các chất quan trọng, bao gồm: Vitamin A (cung cấp cho 1 – 2 năm), Vitamin D (cung cấp cho 1 – 4 tháng), Vitamin B12 (cung cấp cho 3 – 5 năm), vitamin K, vitamin E, sắt, đồng, kẽm, coban, molypden,…
- Tạo máu: Tạo máu là quá trình hình thành các tế bào máu. Ở giai đoạn phôi thai, hồng cầu và bạch cầu được hình thành ở gan. Trong ba tháng đầu của thai kỳ, gan là cơ quan chính thực hiện sản xuất hồng cầu. Đến tuần thứ 32 của thai kỳ , tủy xương gần như đã đảm nhận hoàn toàn nhiệm vụ này.
- Lọc sạch máu: Tế bào Kupffer của gan là tế bào thực bào, giúp loại bỏ các tế bào máu chết và vi khuẩn trong máu.
- Sản xuất albumin: Albumin là một loại protein có nhiều trong huyết thanh, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực keo, đồng thời hoạt động như một chất vận chuyển axit béo và hormone steroid .
- Tổng hợp angiotensinogen: Angiotensinogen là một loại hormone chịu trách nhiệm làm tăng huyết áp khi được kích hoạt bởi renin (một loại enzyme được giải phóng khi thận nhận tín hiệu huyết áp thấp).
- Sản xuất enzyme catalase để phân hủy hydroperoxide (một chất oxy hóa độc hại) thành nước và oxy.
Các bệnh lý về gan
Cách phòng ngừa các bệnh về gan
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét